Trong khóa tập huấn, các chuyên gia quốc tế và trong nước của Dự án EU-ESRT đã giới thiệu về phương pháp quốc tế do Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO và Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới hướng dẫn; trình bày quy trình, phương pháp thực tế đã thực hiện tại Việt Nam để xác định đóng góp của du lịch vào Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014.
Đồng thời, chuyên gia Dự án EU-ESRT cũng chia sẻ kết quả hỗ trợ của Dự án đối với tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng thành công tài khoản vệ tinh du lịch cấp tỉnh và xác định đóng góp của du lịch vào kinh tế tỉnh Quảng Ninh.

Từ năm 2013, nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước của Dự án EU-ESRT đã hỗ trợ Tổng cục Du lịch xác định đóng góp của Du lịch vào GDP năm 2013 và 2014 trong Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam theo phương pháp quốc tế, góp phần làm rõ vai trò của Du lịch trong nền kinh tế Việt Nam.
Từ bài học điển hình của Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam 2014 và kết quả của tỉnh Quảng Ninh, Dự án EU-ESRT tin tưởng ngành Du lịch Việt Nam có thể áp dụng phương pháp tiên tiến của quốc tế để đánh giá đúng và đủ đóng góp của du lịch Việt Nam trong phạm vi cả nước hoặc từng tỉnh.

PHƯƠNG PHÁP QUỐC TẾ TIÊN TIẾN
Tại Việt Nam hiện nay, thước đo được dùng phổ biến để so sánh sự phát triển về du lịch giữa các tỉnh/vùng với nhau và số liệu quốc gia giữa năm sau so với năm trước vẫn là số lượng khách du lịch đến địa phương/toàn quốc và tổng thu từ khách du lịch. Tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP được một số địa phương tính toán bằng phương pháp kinh nghiệm, chưa đánh giá đúng và đủ mức độ đóng góp của du lịch đối với kinh tế.

Theo chuyên gia quốc tế về thống kê du lịch David McEwen, Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO và Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới (WTTC) đã hướng dẫn phương pháp xây dựng Tài khoản vệ tinh du lịch quốc gia (TSA) và tài khoản vệ tinh du lịch vùng/tỉnh (RTSA) để xác định đóng góp của du lịch vào kinh tế một cách đầy đủ. Việc sử dụng Bảng cân đối liên ngành (Bảng IO của Tổng cục Thống kê 2012 với 168 ngành), xác định cả cung - cầu trong du lịch, cho phép ước tính được các đóng góp gián tiếp và đóng góp tạo thêm/lan tỏa của du lịch.

Xác định rõ đóng góp của du lịch đối với nền kinh tế sẽ (trực tiếp, gián tiếp, lan tỏa) là cơ sở tốt cho việc hoạch định các chính sách phát triển du lịch, xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế, quy hoạch tổng thể du lịch phù hợp và hiệu quả, từ đó hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.