Hội nghị có mục tiêu nâng
cao nhận thức về phát triển du lịch có trách nhiệm cũng như tăng cường cơ hội tối
đa hóa các lợi ích phát triển kinh tế - xã hội thông qua phát triển du lịch.
Đây là hội nghị lớn thứ hai về Du lịch có trách nhiệm được tổ chức tiếp nối hội
nghị về Du lịch có Trách nhiệm đã diễn ra vào tháng 11/2012.
Với sự tham gia của 200 đại
biểu từ khu vực nhà nước, tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, hội nghị tạo ra
cơ hội để trao đổi về những thách thức tới từ du lịch đại chúng ở Việt Nam, các
biện pháp để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực do nó gây ra và nâng cao
các tác động tích cực đối với tình hình kinh tế, xã hội và môi trường tại địa
phương.
Ngoài các bài trình bày theo
chủ đề, các đại biểu sẽ được chia nhóm để thảo luận về các vấn đề về chính sách
kinh doanh, chính sách điểm đến, về chính sách chung (ví dụ Biến đổi khí hậu và
các vấn đề về môi trường) cùng các hoạt động phổ biến đề xuất về du lịch có
trách nhiệm.
Trao đổi về công tác tổ chức,
ông Janez Sirse, trưởng nhóm Tư vấn của Dự án EU cho biết, “Hội nghị sẽ giúp
Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong ngành xây dựng và thực thi Khung Chính
sách Du lịch có Trách nhiệm, từ đó giúp tạo ra những lợi thế cạnh tranh cần thiết
cho ngành Du lịch Việt Nam, giúp ngành tăng trưởng và phát triển thịnh vượng,
đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội ở diện rộng trong tương lai”.
Khung Chính sách Du lịch có Trách nhiệm
Một trong những nội dung
trình bày chính của hội nghị là việc xây dựng và thực thi khung chính sách du lịch
có trách nhiệm cho Việt Nam.
Theo ông Kai Partale -
chuyên gia Dự án EU, nếu được thực hiện một cách có trách nhiệm, du lịch có thể
là tác nhân giúp tăng trưởng kinh tế xã hội và đồng thời gìn giữ được tài
nguyên thiên nhiên và văn hóa. Du lịch có trách nhiệm càng ngày càng được chấp
nhận rộng rãi và thu hút sự chú ý và cam kết ở cấp cao trong những phạm vi quan
trọng, thể hiện qua Chương trình Nhãn Bông sen Xanh, Chiến lược Marketing Du lịch
Việt Nam, và việc xây dựng các Tiêu chuẩn về Du lịch có Trách nhiệm trong khuôn
khổ Hệ thống Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (VTOS).
Giữa năm 2013, Dự án EU đã
soạn thảo khung Chính sách Du lịch có Trách nhiệm nhằm cung cấp một tài liệu hướng
dẫn chung cho ngành du lịch, được liên kết với những hành động cụ thể. Những nội
dung chính của khung chính sách này bao gồm những trụ cột chính: 1. Tạo ra một
ngành du lịch năng động và hiệu quả hơn; 2. Hỗ trợ tính cạnh tranh và bền vững;
3. Tạo ra phát triển kinh tế xã hội ở diện rộng; 4. Mở rộng kiến thức và hiểu
biết; 5. Đầu tư vào nguồn lực và nhân lực; 6. Bảo tồn và phát huy các nguồn lực
tự nhiên và văn hóa.