Mở đầu Hội nghị, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã trình bày dự thảo chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2017 – sự kiện sẽ diễn ra tại khu vực Tây Bắc. Tiếp theo đó, Hội nghị chuyển sang phần thảo luận dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu thể hiện ý kiến cũng như nhất trí về các hoạt động, phương pháp thực hiện cũng như chương trình cụ thể của Năm Du lịch Quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Tom Corrie, Phó ban Hợp tác và Phát triển – Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng “Phương pháp tiếp cận cấp vùng đối với hoạt động marketing và quảng bá du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc đem lại nhiều cơ hội và chắc chắn cũng sẽ có những thách thức trong quá trình thực hiện. Liên minh Châu Âu cam kết hỗ trợ các tỉnh trên hành trình này thông qua những hoạt động hỗ trợ của Dự án EU-ESRT. Trong những tháng tới chúng tôi sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch và 8 tỉnh Tây Bắc để giúp xây dựng một khung hoạt động và xúc tiến quảng bá cho Năm Du lịch 2017. Chúng tôi cũng hoạch định tiến trình tiếp tục lấy ý kiến về việc thành lập Tổ chức Quản lý Điểm đến Vùng, công việc đóng vai trò chủ chốt trong phát triển Du lịch theo hướng bền vững”.

Trong phần tóm tắt các kết quả hỗ trợ của Dự án EU-ESRT đối với các tỉnh, ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án đã chuyển tới Hội nghị một bài trình bày ghi nhận những kết quả quan trọng tính đến thời điểm hiện tại. Tây Bắc là khu vực đầu tiên nhận được sự hỗ trợ của Dự án EU-ESRT nhằm thiết lập một Tổ chức Quản lý Điểm đến. Mô hình này đã được xây dựng và hoạt động với một Tổ thường trực và Tổ giúp việc với đầy đủ chức năng nhằm hỗ trợ cho Ban chỉ đạo phát triển Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Về quan hệ đối tác công-tư, Dự án EU-ESRT khuyến khích sự tham gia của các hiệp hội du lịch địa phương, không chỉ ở cuộc họp của Tổ chức Quản lý điểm đến mà còn trong cả các hội nghị và hội thảo về phát triển du lịch. Ngoài ra, hai chuyến khảo sát du lịch tới 8 tỉnh Tây Bắc đã được Dự án hỗ trợ Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.
Về phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm, Dự án EU-ESRT đã huy động các chuyên gia quốc tế và trong nước hướng dẫn các tỉnh thực hiện. Các báo cáo kỹ thuật và bản đồ phát triển sản phẩm theo khu vực hành lang tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và khu vực lưu vực sông Đà cũng đã được xây dựng và hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho quá trình này. Để hỗ trợ đào tạo du lịch có trách nhiệm trong khu vực, Dự án đã cung cấp và bàn giao thiết bị cho 5 nhà văn hóa xã ở Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên và Hòa Bình.

Nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Do đó, gần 2.300 học viên, từ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực Du lịch của các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương, giảng viên các trường đào tạo nghề Du lịch đã được tham gia các khóa đào tạo của Dự án.
Về hoạt động xúc tiến du lịch, Dự án đã hỗ trợ 8 tỉnh tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế (VITM) 2013, 2014 và 2015. Hơn nữa, một trang web để quảng bá sản phẩm du lịch có trách nhiệm trong khu vực cũng đã được xây dựng với tên miền www.northernhighlands.vn
Giới thiệu về những ưu tiên hỗ trợ chính của Dự án EU-ESRT đối với khu vực, bà Mary McKeon, Trưởng nhóm Tư vấn quốc tế cho biết: "Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc tăng cường mô hình hợp tác và củng cố năng lực cho hoạt động quản lý du lịch một cách có trách nhiệm. Bên cạnh sự hỗ trợ của Dự án xây dựng khung hoạt động cho Năm Du lịch Quốc gia năm 2017, Dự án cũng sẽ tập trung vào phát triển nguồn nhân lực du lịch, với các khóa đào tạo về du lịch có trách nhiệm, vận hành lưu trú Du lịch tại nhà dân (homestay), trung tâm thông tin du lịch cũng như kỹ năng quản lý khách sạn cho khách sạn 4 và 5 sao. Cuối cùng, Dự án sẽ giúp các tỉnh xây dựng một chiến lược dài hạn cho các hiệp hội du lịch cấp tỉnh đồng thời tạo điều kiện để các tỉnh tham gia VITM 2016 tại Hà Nội.“
Dưới đây là bài trình bày của ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU-ESRT tại Hội nghị.