Mùa xuân đến là lúc chúng ta ngẫm lại một năm cũ đã qua và hướng đến một năm mới với sức vươn lên mạnh mẽ của một sự khởi đầu mới đầy khí thế. Du lịch Việt Nam vừa kết thúc năm 2015 với nhiều dấu ấn và cảm xúc không những đối với riêng những người làm du lịch và còn thu hút sự quan tâm của Lãnh đạo các cấp và toàn xã hội. Từ tiền đề của năm 2015, năm 2016 được dự báo mở ra một chu kỳ phát triển mới để ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2015, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ngành Du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng, ngăn chặn sự suy giảm khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm, phục hồi đà tăng trưởng, đón hơn 7,94 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 0,9% so với năm 2014; số lượng khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng. Trên đây là những con số ngắn gọn, nhưng ẩn chứa đằng sau nhiều dấu ấn của một năm vượt khó, vươn lên mạnh mẽ.
Năm qua chứng kiến sự phát triển đáng tự hào của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày từ các thị trường trọng điểm. Đồng thời, công tác liên kết, phát triển sản phẩm du lịch theo chuyên đề và vùng lãnh thổ được chú trọng. Ngoài ra, ngày càng có nhiều niềm vui đến trong mùa xuân mới 2016 khi nhiều điểm đến và thương hiệu của du lịch Việt Nam được các tạp chí và các tổ chức quốc tế uy tín bình chọn và trao tặng những danh hiệu cao quý.
Để các sản phẩm du lịch được thị trường đón nhận, công tác xúc tiến quảng bá du lịch được tăng cường mạnh mẽ và đổi mới cả về nội dung và hình thức. Ngoài các phương thức truyền thống như tham gia hội chợ, đón các đoàn FAM/Press, tổ chức phát động thị trường tại nước ngoài, việc ứng dụng marketing điện tử được đẩy mạnh. Sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến quảng bá ngày càng chặt chẽ. Thông qua Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, các mô hình hợp tác công – tư trong xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh và đã phát huy hiệu quả thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những vấn đề những người làm du lịch phải tiếp trăn trở, suy nghĩ để hành động. Công tác quản lý điểm đến du lịch chưa thực sự bền vững; hoạt động quảng bá xúc tiến còn hạn chế về quy mô và tính chuyên nghiệp; nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng và các hoạt động chưa được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; công tác thống kê, dự báo, định hướng hoạt động của ngành còn chưa thực sự bài bản, chuyên nghiệp. Trên hết, vấn đề làm sao để ngành Du lịch Việt Nam đuổi kịp các quốc gia có ngành Du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore còn đó, đòi hỏi sự nỗ lực liên tục và mạnh mẽ của ngành Du lịch nói riêng và cả nước nói chung.
Cuối cùng, Tổng cục trưởng khẳng định những kết quả đạt được trong năm 2015 sẽ là tiền đề quan trọng cho ngành Du lịch để có thể hướng đến một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Năm 2016, Du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 370 nghìn tỷ đồng.