Đánh giá cao những kết quả mà ngành Du lịch đạt được sau hơn 6 năm Luật Du lịch được Quốc hội ban hành và đi vào thực tiễn đời sống, tạo luồng gió mới cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam, tuy nhiên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, nội dung quản lý và bảo vệ tài nguyên du lịch, việc xây dựng quy hoạch du lịch, khu, tuyến, điểm du lịch còn chung chung, khó thực hiện, khó xây dựng các văn bản dưới Luật để hướng dẫn thực hiện. Các khu du lịch được xã hội rất quan tâm nhưng cho đến nay vẫn không thể xếp hạng chính thức một khu du lịch quốc gia nào. Quy định doanh nghiệp lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh và văn phòng đại diện của các doanh nghiệp du lịch nước ngoài ở Việt Nam cũng chưa rõ ràng, hạn chế tính tích cực của loại hình doanh nghiệp này. Công tác xúc tiến du lịch, Luật cũng mới đề cập một số vấn đề về nguyên tắc mà chưa nêu bật được tầm quan trọng đặc biệt của công tác này, nên rất khó khăn khi xây dựng các văn bản hướng dẫn, và càng khó khăn khi triển khai trong thực tế. Đối tượng chính của ngành kinh tế du lịch được xác định là khách du lịch. Trong Luật Du lịch, khách du lịch đã đưa thành một chương (3 điều) nhưng nội dung còn đơn giản, thiếu những nội dung quan trọng thể hiện chưa đánh giá đúng vai trò của khách du lịch. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Việt (Hiệp hội Lữ hành Việt Nam) bày tỏ quan điểm, Luật cần bổ sung điều khoản về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ khách du lịch; thành lập các lực lượng chuyên trách trong việc hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch, có thể là lực lượng cảnh sát du lịch. Ngoài ra, Luật cũng cần bổ sung điều khoản bảo vệ khách du lịch trong trường hợp các công ty lữ hành đột ngột giải thể, phá sản.
Bên cạnh đó, đối với lữ hành quốc tế, Luật về cơ bản chỉ tập trung quản lý đối với loại hình inbound (đưa khách quốc tế vào), chưa thể hiện sự ưu tiên đối với loại hình kinh doanh này và buông lỏng, không quản lý loại hình outbound (đưa khách nội địa ra nước ngoài).
Về hướng dẫn viên du lịch, trong thời gian qua xuất hiện bất cập về hướng dẫn viên các loại ngoại ngữ hiếm, nhiều người có kinh nghiệm nhưng chưa tốt nghiệp đại học. Giám đốc Công ty Travel Support Đỗ Đình Cương kiến nghị, cần mở rộng điều kiện cấp thẻ hướng dẫn du lịch quốc tế tới trình độ cao đẳng chuyên ngành hướng dẫn du lịch.
Về những vấn đề bất cập trong lĩnh vực lưu trú như xếp hạng cơ sở lưu trú; thẩm quyền thẩm định, xếp hạng; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, nguồn vốn phát triển cơ sở lưu trú du lịch Tổng thư ký Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Lê Mai Khanh đề xuất, nên bổ sung tên loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới; cho phép các địa phương uỷ quyền cho cấp quận, huyện (những nơi có đủ điều kiện) thẩm định, xếp hạng nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Các tổ chức, cá nhân được hưởng thuế suất ưu đãi khi đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú du lịch hạng 3 sao, 4 sao, 5 sao và hạng cao cấp hoặc đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Cùng với các ý kiến đóng góp tại 2 cuộc hội thảo tổ chức tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3-2012, những đề xuất tại hội thảo sẽ tiếp tục được tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch vào năm 2013.
ĐỨC NGUYÊN