Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ về những
kết quả đáng khích lệ, khả quan của công tác xúc tiến du lịch trong thời gian
qua?
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: Phải nói
rằng, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, công tác xúc tiến du lịch đạt được
những kết quả nổi bật. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai
trò của du lịch, trong đó có xúc tiến du lịch đã được củng cố, nâng dần lên và
chuyển biến theo hướng tích cực. Qui mô và phạm vi hoạt động xúc tiến du lịch
được mở rộng. Chất lượng hoạt động xúc tiến du lịch được cải thiện và nâng cao
một bước. Đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch ngày càng trưởng thành,
trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, có những đóng góp tích
cực trong việc tham mưu cho các cấp đề ra được những chính sách, chương trình
có tính đột phá đối với hoạt động xúc tiến của du lịch, để công tác xúc tiến
từng bước đi vào nề nếp và có tính chuyên nghiệp.
PV: Không phủ nhận những thành tựu của công
tác xúc tiến du lịch thời gian qua, nhưng rõ ràng thực tế hiện nay vẫn còn một
số thách thức, bất cập của công tác này. Xin ông nói rõ hơn về điều đó?
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: Cũng phải
thừa nhận rằng, bên cạnh những thành quả, công tác xúc tiến du lịch vẫn còn một
số hạn chế. Các hoạt động xúc tiến quảng bá còn thiếu tính chuyên nghiệp và
hiệu quả chưa cao. Kinh phí dành cho xúc tiến du lịch còn nhỏ bé và cơ chế tài
chính còn nhiều vướng mắc, bất cập, thiếu chính sách ưu tiên, cơ chế cấp kinh
phí hàng năm chưa linh hoạt để có thể xây dựng và triển khai những kế hoạch xúc
tiến du lịch chủ động nhằm ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực, bất thường của
những biến động trong và ngoài nước đối với lượng khách du lịch quốc tế đến
Việt Nam.
Tổ chức bộ máy và lực lượng thực hiện hoạt
động xúc tiến quảng bá du lịch còn có nhiều hạn chế, lực lượng trực tiếp triển
khai hoạt động xúc tiến du lịch mỏng, hoạt động kiêm nhiệm nên việc triển khai
còn bị động, thiếu tính chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao.
Việc huy động các nguồn lực tham gia xúc tiến
du lịch còn hạn chế. Thông qua sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch,
hoạt động phối hợp liên ngành trong thực hiện hoạt động xúc tiến du lịch tuy đã
được cải thiện, song các cấp, các ngành chưa thực sự coi đó là trách nhiệm liên
quan trực tiếp của mình; sự phối kết hợp chưa thật chặt chẽ, hiệu quả để đáp
ứng một trong những đòi hỏi cơ bản của hoạt động xúc tiến du lịch là tính liên
ngành, liên vùng và xã hội hoá cao...
PV: Từ những thành công cũng như hạn chế còn
tồn tại của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tới đây, chúng ta cần phải làm
gì để khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh của công tác xúc tiến du lịch, thưa
ông?
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: Qua triển
khai công tác xúc tiến du lịch, chúng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm
quý báu, bao gồm: Tranh thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đặc biệt lãnh đạo
cấp cao; huy động nguồn lực; tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao; công tác xúc
tiến phải gắn với sản phẩm, thị trường du lịch; liên kết, hợp tác trong cạnh
tranh; tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Đáng chú ý là sự hỗ trợ của Cộng đồng
Châu Âu với du lịch Việt Nam với việc hỗ trợ thông qua các dự án phát triển nguồn
nhân lực (Giai đoạn I) và Chương trình phát triển du lịch có trách nhiệm với
môi trường và xã hội ESRT (Giai đoạn II). Ngoài ra, du lịch Việt Nam còn tiếp
nhận sự hỗ trợ của Dự án Luxembourg về phát triển nguồn nhân lực; Dự án Tây Ban
Nha về tăng cường năng lực cho ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện Chiến
lược phát triển du lịch giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030. Đặc biệt, hiện
tại các chuyên gia của Ban quản lý Chương trình phát triển năng lực du lịch có
trách nhiệm với môi trường và xã hội (Chương trình ESRT) đang hỗ trợ Tổng cục
Du lịch xây dựng Chiến lược Marketing du lịch đến năm 2020 và Kế hoạch Hành
động Marketing du lịch đến năm 2015.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích các cơ hội,
thuận lợi cũng như thách thức, khó khăn của tình hình trong nước và quốc tế,
căn cứ trên quan điểm, định hướng và mục tiêu của ngành du lịch là nâng cao
chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp của hoạt động quảng bá xúc tiến du
lịch đồng thời nhằm triển khai thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hoá hoạt động
xúc tiến quảng bá du lịch từ Trung ương đến địa phương, có trọng tâm trọng điểm
và đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc tế, cần thực hiện thống nhất, đồng bộ các
giải pháp: Tăng cường năng lực xúc tiến, quảng bá du lịch; Đẩy mạnh hoạt động
xúc tiến tại chỗ thông qua khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Hoàn thiện hệ
thống văn bản pháp lý về xúc tiến du lịch; Nghiên cứu và ban hành các chính
sách, cơ chế tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến du lịch;
Tăng cường công tác phối kết hợp với các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp
trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin truyền thông phục vụ xúc tiến du lịch...
Đặc biệt, cần chú trọng tới các giải pháp
trọng tâm đến năm 2015 bao gồm: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá và
xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền,
quảng bá và xúc tiến du lịch trong nước; Phát triển marketing điện tử
phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch; Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch
Việt Nam; Nghiên cứu, áp dụng mô hình văn phòng đại diện Du lịch Việt Nam ở
nước ngoài.
Trao đổi về nội dung dư luận đang rất quan
tâm là nạn “chặt chém du khách”, Tổng
cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận tình trạng đeo bám, ép khách là vấn đề
không mới, nhưng gần đây có xu hướng rộ lên ở một số trung tâm du lịch lớn như:
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quảng Ninh...
và tập trung nhiều ở những lĩnh vực mà ngành du lịch không trực tiếp quản lý,
ví dụ như taxi, xích lô, nhà hàng, cá biệt xảy ra ở một số khách sạn. Việc này
ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh và khả năng cạnh tranh của ngành du lịch.
Trong khi chúng ta nỗ lực quảng bá ở nước ngoài, thì một việc rất quan trọng là
xúc tiến du lịch tại chỗ, tức chúng ta phải tạo ra một môi trường du lịch văn
minh, lành mạnh để tạo cảm hứng, ấn tượng tốt với khách. Đây là một nhiệm vụ mà
riêng ngành du lịch không thể làm được. Do đó, theo ông Tuấn, ở đây có vai trò
lớn của chính quyền các cấp trong việc đưa ra các giải pháp quyết liệt, đủ mạnh
để chấn chỉnh tình trạng này. Hiện, một số điểm du lịch đã làm rất tốt như Đà
Nẵng, Hội An (Quảng Nam). Đặc biệt, Sầm Sơn – một địa điểm có nhiều tai tiếng
về nạn “chặt chém”, gần đây cũng mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Cụ thể
như ngày 19/5, UBND thị xã Sầm Sơn đã ra quyết định xử phạt chủ ki-ốt số 7, cụm
số 3 ở phường Trường Sơn số tiền 20 triệu đồng vì thu tiền phí trông xe máy cao
hơn quy định. Ngoài ra, chủ ki-ốt này phải hoàn trả số tiền thu phí cao hơn quy
định cho khách hàng.
Về khía cạnh quản lý du lịch, ông Tuấn cho
biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuẩn bị một đề án và đầu tháng 6 sẽ
tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn các biện pháp và kiến nghị với các
địa phương giải quyết tình trạng trên.
Việt Hà (thực hiện)
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản