Một hoạt động tiêu biểu của Dự án EU là thực hiện dán nhãn thân thiện với môi trường với tên gọi ’Bông sen xanh’. Nhãn Bông sen xanh là một dạng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được cấp cho các cơ sở lưu trú đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Đối với các cơ sở lưu trú, việc được cấp chứng nhận Bông sen xanh mang lại giá trị và hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao thứ bậc cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Nhãn Bông sen xanh có 5 cấp độ, từ 1 đến 5 Bông sen xanh. Số lượng Bông sen xanh cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch ghi nhận mức độ nỗ lực trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của cơ sở lưu trú du lịch, không phụ thuộc vào loại, hạng mà cơ sở lưu trú du lịch đó đã được công nhận. Bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh gồm 80 tiêu chí chia làm 4 mục:
- Quản lý bền vững;
- Tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương;
- Giảm thiểu tác động tiêu cực tới di sản văn hóa;
- Giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Năm 2014, để tiếp tục mở rộng chương trình nhãn Bông sen xanh, Dự án EU sẽ tập trung vào 3 hoạt động chính: (i) Đánh giá kết quả 2 năm triển khai dán nhãn Bông sen xanh, trong đó làm rõ những thành quả đạt được cũng như hạn chế/vướng mắc trong quá trình thực hiện; (ii) Xây dựng chương trình truyền thông và quảng bá rộng rãi cho hoạt động này; (iii) Tổ chức đào tạo đội ngũ thẩm định viên/đánh giá viên từ miền Trung đến miền Nam, đảm bảo đội ngũ này có đủ năng lực để thực hiện các hoạt động thẩm định/đánh giá một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Dự án EU cũng xây dựng các tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS. Các tiêu chuẩn này được thiết kế trên cơ sở phân tích và hình thành những công việc người lao động cần thực hiện để hoàn thành yêu cầu của một vị trí cụ thể. Dự án EU đã lồng ghép các mô-đun về môi trường trong các nghiệp vụ trong quá trình xây dựng và triển khai để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi cán bộ, công nhân viên trong ngành du lịch.
Đồng thời, Dự án đang xây dựng Bộ tiêu chuẩn cho các Dự án đầu tư về Du lịch liên quan tới môi trường. Đây sẽ là cơ sở, nền tảng để các Dự án đầu tư xây dựng kế hoạch hoạt động và phát triển của riêng mình, hướng tới một môi trường bền vững.
Bài đăng trên Tạp chí Tài nguyên & Môi trường, số 1+2, tháng 1/2014
Tải về: http://www.mediafire.com/view/tgsncf7a9whpbqj/TapchiTNMT_So1va2_2014_sm.pdf