Khái niệm địa di sản (geoheritage) xuất hiện vào năm 1991 tại hội thảo Digne ở Pháp, sau đó vào năm 1997 được UNESCO tuyên bố rộng rãi trên thế giới nhằm cổ vũ cho việc bảo vệ đa dạng địa (hất (geodiversity) thông qua hoạt động phát triển du lịch địa di sản. Việt Nam có nhiều tài nguyên địa di sản nhưng chưa được nghiên cứu phát hiện và khai thác sử dụng cho phát triển kinh tế. Phát triển du lịch thiên nhiên trên cơ sở sử dụng các vùng địa di sản không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng địa chất mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Địa di sản và công viên địa chất
Các di tích lịch sử và khảo cổ liên quan đến loài người chủ yếu có niên đại khoảng 10 ngàn năm trở lại. Những quần hệ sinhvật đang sống - đối tượng của bảo vệ đa dạng sinh học - cũng chỉ có niên đại chừng ngàn năm mà thông thường là vài trăm năm trở lại. Trong khi đó với lịch sử trái đất 4,5 tỷ năm, hàng loạt di tích địa chất có tầm quan trọng đặc biệt phục vụ cho việc tìm hiểu trái đất của chúng ta có rất nhiều, và không ít trong số đó mang vẻ đẹp vô giá, là nguồn tài nguyên du lịch quý. Tuy nhiên, không ít điểm địa di sản đã bị phá hủy vì chúng ta chưa biết rõ giá trị của chúng.
Khái niệm về địa di sản được nêu lên lần đầu trên thế giới tại Tuyên bố Digne năm 1991 như một công cụ nhằm bảo vệ, cải thiện các di sản địa chất và phát triển bền vững các địa phương có di sản đó thông qua một mạng lưới toàn cầu liên kết các quốc gia có di sản. Năm 1997, UNESCO công bố "Tuyên bố về quyền di sản trái đất , thuộc trách nhiệm của Bộ phận Khoa học Trái đất thuộc UNESCO, nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên bảo vệ các Di sản trái đất của mình. Theo sự giảm dần về quy mô, nhóm địa di sản gồm công viên địa chất có thể lớn tương đương với một vườn quốc gia, nhỏ hơn là điểm địa di sản, nhỏ nhất là geomark (chưa có từ Việt tương đương, tạm dịch "là thực thể địa chất , ví dụ một thác nước, một miệng núi lửa, một vách đá...). Một công viên địa chất (geopark) có thể gồm nhiều khu địa chất (geosites), một geosite có thể gồm nhiều geomarks.
Công viên địa chất là một vùng có giới hạn rõ ràng, có diện tích đủ rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Nó bao gồm một số điểm di sản địa chất nào đó ở mọi quy mô hay một nhóm thực thể địa chất có tầm quan trọng khoa học đặc biệt, hiếm có và đẹp, tiêu biểu cho một khu vực và lịch sử địa chất của khu vực đó. Kèm theo ý nghĩa địa chất, vùng địa di sản còn có thể có các giá trị sinh thái, khảo cổ, lịch sử hay văn hóa. Một công viên địa chất hay một điểm địa di sản đáp ứng cho việc phát triển du lịch bền vững sẽ mang lại lợi ích cho địa phương và quốc gia về kinh tế, văn hóa và môi trường. Điều này giúp cải thiện điều kiện sống của con người và môi trường, đặc biệt là nông thôn - nơi có khả năng phát hiện nhiều vùng địa di sản. Năm 2004, 17 công viên địa chất châu Âu và 8 công viên địa chất của Trung Quốc liên kết tạo ra Mạng lưới toàn cầu về Geoparks dưới sự bảo trợ của UNESCO. Năm 2007, Tổ chức Geoparks châu Âu có sự tham gia của 15 nước châu Âu với 31 công viên địa chất, nâng tổng số công viên địa chất trên thế giới lúc đó lên 52.

Kho báu cho phát triền du lịch
Nói đến địa di sản không chỉ nói đến bảo vệ đa dạng địa chất, mà chủ yếu nói về phát triển kinh tế - xã hội những vùng có địa di sản. Mục tiêu chính của UNESCO khi thành lập Mạng lưới Địa di sản toàn cầu nhấn mạnh đồng thời vào ba vấn đề: bảo vệ đa dạng địa chất, giáo dục và phát triển bền vững. Cách thức chủ yếu để địa di sản hỗ trợ kinh tế và phát triển bền vững địa phương là phát triển du lịch địa di sản (nhiều người còn gọi là du lịch địa chất). Geoparks tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, giúp mang các hiểu biết về địa học và môi trường tới công chúng thông qua việc bảo tồn, tôn tạo các thực thể địa chất, xây dựng các bảo tàng tự nhiên học, lập các trung tâm thông tin, tổ chức các hội thảo khoa học... Đồng thời, hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, liên kết với các trường học và viện nghiên cứu, tổ chức giao lưu giữa các nhà khoa học với người dân địa phương...
Bất cứ một diện tích nào có đặc điểm địa chất giá trị, dù giá trị ở cấp địa phương hay toàn cầu cũng chỉ mới đạt điều kiện cần để trở thành địa di sản, ví dụ: rừng đá (thạch lâm), vùng đá vôi karst, các điểm hóa thạch cổ sinh vật hay khảo cổ, núi lửa, vùng mỏ cổ, vách đá ven biển có cảnh quan đẹp... Để lập một điểm địa di sản trên cơ sở các giá trị địa chất này còn cần điều kiện đủ là có sự tham gia của dân địa phương, vốn là những người biết rõ từng tấc đất trong vùng. Việc làm rõ chức năng và cấu trúc của bộ phận quản lý nhằm ghép nối tất cả các hoạt động của geopark phải là một hợp phần cơ bản của một geopark. Việc tham gia của tất cả các bên liên quan chủ chốt trong phạm vi lãnh thổ của geopark là chìa khóa của sự thành công. Cả geopark lẫn các đối tác của nó đều không được quyền thương mại hóa các sản phẩm địa chất như đá cảnh đá quý khoáng vật, hóa thạch... dưới bất cứ hình thức nào. Lợi ích mà geopark tạo ra cho nền kinh tế địa phương không phải dựa trên việc khai thác và bán các sản phẩm địa chất đó, mà phải dựa trên các sản phẩm còn nguyên vị trí tự nhiên ban đầu để phát triển du lịch bền vững. Một geopark phải tạo cơ hội việc làm cho người địa phương và đóng góp vào nguồn thu của địa phương. Trong khuôn khổ một geopark, di sản địa chất và hiểu biết về địa chất phải được diễn giải và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng, cũng như phải liên kết với các hợp phần khác Của môi trường tự nhiên và văn hóa.
Có rất nhiều danh thắng có giá trị địa chất cao và độc đáo nhưng ít được khai thác theo góc độ địa di sản. Chỉ cần khai thác khía cạnh này đã làm tăng tính hấp dẫn du lịch và tăng thời gian lưu khách, điểu này cũng có nghĩa là tăng nguồn thu cho cộng đồng và địa phương. Trong ngành Du lịch ai cũng biết lợi thế của một điểm du lịch thiên nhiên được gói gọn vào ba thứ quý vẫn được gọi là "tam bảo”: núi đá, rừng cây và mặt nước (biển hay hồ). Nơi nào sở hữu thiên nhiên tam bảo nơi đó có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. Hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên tam bảo, du khách có những ấn tượng kỳ lạ, an bình và tĩnh tâm mà không thể cắt nghĩa được. Liệu có phải cội nguồn động vật trong sâu thẳm mỗi con người đã dẫn dụ chúng ta đến với thiên nhiên tam bảo chăng? Tuy nhiên, nếu không có kiến thức về địa di sản du khách sẽ chẳng thể hiểu được những trang sử đá cũng hấp dẫn không kém vẻ đẹp của rừng cây hay mặt biển.
Các chuyên gia nước ta đang nghiên cứu chi tiết tại sáu khu vực để xây dựng công viên địa chất. Trong đó, điển hình là cao nguyên đá vôi Đồng Văn - Mèo Vạc (đã được UNESCO công nhận), Vườn quốc gia Ba Bể, Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà - quần đảo Long Châu - bán đảo Đồ Sơn... Tuy nhiên, một số địa phương khác cũng có khả năng phát hiện thêm nhiều địa di sản mới. Vì vấn đề này còn khá mới mẻ ơ nước ta nên chắc chắn còn nhiều kết quả lý thú.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe