Quảng Trị nằm giữa miền Trung Việt Nam, là giao lộ của tuyến xuyên Việt và tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; nơi gặp gỡ, giao thoa văn hóa các vùng miền trong nước, các địa phương tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Mảnh đất giàu tiềm năng du lịch
Là tuyến lửa ác liệt trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, Quảng Trị hiện còn lưu giữ một hệ thống di tích lịch sử chiến tranh đồ sộ và độc đáo. Trong 500 di tích tiêu biểu phải kể đến những di tích có giá trị lớn đối với du lịch hồi tưởng, hoài niệm thu hút du khách và các nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh. Đây là cơ sở để hình thành chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xa và đồng đội”, một thương hiệu nổi tiếng của Du lịch Quảng Trị thời gian qua. Cũng chính từ lợi thế, tiềm năng này Quảng Trị trở thành cầu nối quan trọng cho các chương trình du lịch nối tiếp “Con đường Di sản miền Trung”, “Con đường huyền thoại” và các chương trình du lịch tiêu biểu khác.
Quảng Trị có 55% diện tích núi rừng và 75km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Triệu Lăng, Vĩnh Kim, Vĩnh Thái… Đặc biệt, Cửa Tùng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi tắm”, là “Hòn ngọc của biển Thừa Lương” và bãi tắm Cửa Việt với nhiều lợi thế đang hình thành khu du lịch dịch vụ có quy mô và chất lượng cao phục vụ du khách. Cách bờ biển Cửa Tùng 28km là đảo Cồn Cỏ anh hùng nay đang xây dựng thành đảo du lịch. Các bãi tắm nổi tiếng cùng với đảo du lịch Cồn Cỏ sẽ là địa chỉ nghỉ dưỡng cuối tuần lý tưởng, nơi tổ chức các hoạt động tắm biển, thể thao biển thu hút du khách gần xa. Rừng Quảng Trị rất đẹp và có nhiều động thực vật quý hiếm. Nổi trội là Rú
Lịnh, Trằm Trà Lộc tiêu biểu cho rừng rậm nhiệt đới; khu danh thắng Đakrông sông nước hữu tình, có suối nước nóng, không gian kỳ vỹ; Rào Quán, Khe Sanh, Khe Gió Thác Ồ Ồ… là những khu du lịch sinh thái đang hình thành, tương lai trở thành địa chỉ hấp dẫn.
Hành lang kinh tế Đông - Tây ra đời có vai trò quan trọng trong chiến lược liên kết các địa phương của bốn quốc gia hưởng lợi trực tiếp của tiểu phủ các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây chú trọng đề cao các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, đặc biệt coi phát triển thương mại, du lịch vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong chiến lược phát triển. Cùng với việc hoàn thiện Hành lang kinh tế Đông - Tây, du lịch trên tuyến huyết mạch này đã trở thành thương hiệu du lịch mới hấp dẫn trên bản đồ các nước ASEAN. Và từ Quảng Trị du khách tiếp tục cuộc hành trình khám phá những di tích, thắng cảnh tuyệt vời của miền Trung, của đất nước Việt Nam, đến đất nước Lào, Thái Lan, Myanma tươi đẹp…
Để tạo sự đột phá cho du lịch Quảng Trị
Tỉnh Quảng Trị có nhiều chương trình, kế hoạch hành động thúc đẩy ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ hơn; huy động tổng hợp nhiều nguồn lực cho sự phát triển du lịch; kết hợp giữa thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế với tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển hạ tầng du lịch; tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa trong phát triển du lịch. Nhờ đó đã thu được những kết quả bước đầu. Hiện nay Quảng Trị đã hình thành một số khu du lịch quan trọng như: Cửa Việt, Cửa Tùng, Khe Sanh - Lao Bảo và nhiều điểm du lịch khác; nhiều khu di tích văn hóa, lịch sử được quan tâm đầu tư tôn tạo, nâng cấp gắn với quản lý khai thác; hệ thống khách sạn, nhà hàng phát triển nhanh. Quảng Trị đã chú ý xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch có lợi thế: du lịch sinh thái, du lịch hoài niệm hồi tưởng, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch quá cảnh trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được đổi mới: bộ máy quản lý được tăng cường, sự phối hợp giữa các ngành chức năng và cải cách chú trọng đã tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm. Kết quả kinh doanh du lịch có sự tăng trưởng khá. Giai đoạn 2006 - 2010 lượng khách đến Quảng Trị tăng 20%/năm và doanh thu xã hội tăng 28%/năm… Nhờ đó, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; giải quyết nhiều việc làm cho xã hội.
Những giải pháp hướng tới tương lai
Để Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trước năm 2015, tạo sự đột phá mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo, Quảng Trị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
Bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên đề du lịch, quy hoạch chi tiết các khu, tuyến du lịch quy hoạch xây dựng hạ tầng du lịch gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch phù hợp. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành thực hiện quy hoạch, thẩm định dự án đầu tư du lịch. Bố trí đầu tư phải đúng quy hoạch. Cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp và phát triển các dịch vụ khác, phát triển du lịch với văn hóa và phát triển con người; phát triển du lịch với bảo vệ tài nguyên - môi trường đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội...
Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch đúng quy hoạch theo hướng phải tập trung trọng tâm, trọng điểm: xây dựng hệ thống giao thông phục vụ du lịch kết hợp với phát triển các ngành kinh tế và phục vụ dân sinh; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, điểm du lịch quan trọng gắn với quảng bá xúc tiến đầu tư, quản lý, khai thác tiềm năng du lịch; xây dựng lộ trình tôn tạo nâng cấp các di tích văn hóa, lịch sử một cách hợp lý để phát huy hiệu quả đầu tư; khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, nhất là hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp mới được xây dựng...
Hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển du lịch: nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù không trái với pháp luật để tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch; hình thành các làng nghề thủ công mỹ nghệ để tạo sản phẩm phục vụ khách du lịch; hình thành các khu, điểm du lịch, xây dựng cơ chế chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý kinh doanh du lịch. Đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phải chú trọng đầu tư xây dựng nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao, các trung tâm dịch vụ thương mại; bảo tồn, phát triển có chọn lọc các lễ hội cách mạng, lễ hội văn hóa truyền thống có khả năng thu hút khách du lịch...
Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và ban quản lý các di tích, danh thắng. Tổ chức khai thác tốt tiềm năng du lịch hiện có của tỉnh bằng nhiều loại hình dịch vụ du lịch như: tham quan di tích lịch sử chiến tranh, lễ hội, văn hóa tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch qua Hành lang kinh tế Đông - Tây... Phát triển mạnh các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có chất lượng. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ như: vui chơi giải trí, thông tin, tư vấn, đổi tiền, bán hàng lưu niệm... nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. Gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển bền vững. Khẩn trương xây dựng đề án và triển khai có hiệu quả công tác quản lý, khai thác giá trị các di tích, danh thắng.
Đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, viên chức du lịch và nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Có chính sách thu hút những cán bộ làm công tác quản lý và nhân viên trong ngành được đào tạo nghiệp vụ du lịch. Tổ chức giáo dục cho đội ngũ làm công tác du lịch giao tiếp có văn hóa, lịch sự và am hiểu nghề du lịch để thu hút du khách.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân về phát triển du lịch. Nâng cao hơn nữa vai trò quản lý điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tạo môi trường pháp lý thuận lợi và bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo cơ chế thông thoáng, thuận tiện về thủ tục cho du khách, nhất là ở khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ban hành quy chế hoạt động, quản lý du lịch, từng bước hiện đại hóa các phương tiện quản lý và áp dụng các phương thức quản lý chặt chẽ.
Đồng hành cùng đất nước Quảng Trị đang bước những bước dài trên con đường dựng xây và phát triển. Hy vọng Du lịch Quảng Trị sẽ sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo sự đột phá mạnh mẽ sau năm 2015.
Nguyễn Hữu Thắng
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị